Theo ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Tuyên (tỉnh Bình Dương), mùn cưa dăm bào là phế phẩm lâm nghiệp, nhưng nếu quan tâm đúng mức và có định hướng phát triển thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu chất đốt dồi dào, tiết kiệm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Gửi thư đến Cổng TTĐT Chính phủ, ông Tuyên mong muốn được đóng góp những ý tưởng để cùng nhân dân cả nước thực hiện có hiệu quả những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11/NQ-CP Chính phủ vừa ban hành.
Ông Tuyên cho rằng, Việt Nam là nước có ngành sản xuất, chế biến gỗ khá phát triển, theo đó hàng năm cũng sẽ có một lượng lớn mùn cưa, dăm bào. Những phế phẩm này hiện chưa được quan tâm, tận dụng để sử dụng.
Trong tình hình giá nhiên liệu dùng cho lò hơi ngày càng tăng thì củi ép từ mùn cưa là giải pháp kinh tế tiết kiệm hiện nay. Từ than đá chuyển sang dùng củi mùn cưa chi phí có thể giảm đến hơn 50%. Từ dầu FO chuyển sang củi ép mùn cưa chi phí có thể giảm đến 70%.
Theo tính toán của ông Tuyên, nếu sản xuất 2,5 tấn mùn cưa thành nhiên liệu đốt trong nước thì Việt Nam đỡ nhập khẩu khoảng 1.000 lít dầu, Nhà nước đỡ phải bù lỗ cho nguồn năng lượng này. Việc xuất khẩu mùn cưa không mang lại lợi nhuận lớn cho đất nước, trái lại chúng ta đang xuất khẩu nguồn nguyên liệu rẻ tiền, có lợi cho môi trường để nhập về các nguyên liệu đốt khác đắt tiền, không thân thiện với môi trường.
Chưa kể, sản xuất củi, than sạch với nguyên liệu 100% từ mùn cưa, dăm bào cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bởi nguồn nhiên liệu này có thời gian đốt và nhiệt lượng cao, lượng tro tạo ra lại rất ít, giá thành của các sản phẩm chất đốt từ mùn cưa rẻ, có thể giảm đáng kể chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều chất đốt.
Ông Tuyên cho biết, hiện nay, trong nước đã có công nghệ sản xuất củi ép từ mùn cưa. Tuy nhiên doanh nghiệp của ông Tuyên cũng như các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực tái chế mùn cưa, dăm bào đang gặp nhiều khó khăn, phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu mùn cưa, đồng thời gặp vướng về thủ tục hành chính do ngành nghề này chưa có cơ chế, quy định cụ thể.
Bởi thế, ông Tuyên mong muốn các cơ quan chức năng sớm có chính sách phù hợp để hỗ trợ sản xuất trong nước, nâng cao giá trị cho nguồn nguyên liệu từ mùn cưa nói riêng và các nguyên liệu phế phẩm khác của ngành nông lâm nghiệp nói chung, góp phần tạo thêm hướng đi mới cho doanh nghiệp, tạo ra nguồn nguyên liệu giá rẻ, thân thiện với môi trường.